Phạm Duy viết về Thái Thanh

Thập niên 40

photo-17-copy.jpg

Hai ông bà Phạm Đình Phụng nguyên là chủ nhân của một cửa hàng bán mứt và ô mai ở phố Bạch Mai tên là hiệu Mai Lộc. Hồi 13 tuổi, cậu Nguyễn Cao Kỳ thường hay tới hiệu Mai Lộc để ăn ô mai và đánh đàn mandoline cùng với lũ con của chủ nhân. Ngày 19 tháng 12 năm 46, tức là ngày toàn quốc kháng chiến, ông bà Mai Lộc Phạm Đình Phụng dắt hai người con trai và ba người con gái tản cư ra Sơn Tây. Cả gia đình thuộc vào hạng tiểu thương thành phố này đã tới ở nhờ trong nhà của một gia đình nông dân tại một nơi gọi là đồi Cốc. Một hôm phi cơ Pháp tới bắn phá nơi đây và đau lòng thay, người con gái lớn của ông bà bị tử thương.

Chôn cất người bạc mệnh xong, ông bà còn quá hoảng sợ muốn đi khỏi nơi này. Mới đầu tính di cư lên Việt Bắc nhưng vì sợ những nơi thường được gọi là rừng thiêng nước độc cho nên ông bà quyết định dắt một người con trai và hai người con gái đi về vùng suôi và dừng chân ở Chợ Đại. Người con trai lớn thì đã gia nhập một đoàn văn nghệ kháng chiến ở Sơn Tây đi lưu diễn ở miền thượng du rồi.

Tại Chợ Đại, ông bà mua lại một cái quán và đặt tên là Quán Thăng Long. Ở đây có đủ ba món phở sào, phở áp chảo, phở nước, có cà phê ngon và có luôn một anh Tây lai tên là Auguste Ngọc ngày nào cũng vác đàn guitare tới quán để biểu diễn chơi. Ông bà Thăng Long vốn là những người rất sành nhạc cổ. Đi chạy giặc như vậy mà vẫn mang đàn đi theo. Thỉnh thoảng, cao hứng, ông bà lấy nhạc cụ ra. Ông đánh đàn nguyệt và bà đánh đàn tranh, đàn tỳ. Rất là du dương. Văn nghệ sĩ nào tới Quán Thăng Long thì cũng đều được đón tiếp rất niềm nở. Không có sự cách biệt giữa chủ và khách. Có anh nghệ sĩ đã xung phong vào bếp để phụ giúp trong việc thái thịt bò và thái bánh phở.

Tại Quán Thăng Long, ông bà có ba người con để giúp đỡ trong việc nấu phở, pha cà phê và tiếp khách. Người con gái lớn tên là Phạm Thị Thái, vào chạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn guitare hawaienne nữa. Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay một cú sét đánh. Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người tao nhã (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tới tặng Nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, dụt dè hơn, nhờ người chị ruột của tôi — đang tản cư ở Chợ Đại — làm mối. Còn anh hoạ sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới Quán Thăng Long, ngồi đó rất lâu, im lặng… Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài hát tỏ tình, lời ca do tôi gà cho…

Sau Phạm Thị Thái là người con trai 18 tuổi của ông bà tên là Phạm Đình Chương. Cậu này rất có khiếu về đàn guitare, bây giờ lại được Auguste Ngọc tới dạy cho cậu những ngón đàn rất hay. Rồi tới người con gái út, tên là Phạm Băng Thanh, mới 13 tuổi mà đã có một giọng hát rất hay. Văn nghệ sĩ người lớn thường gọi cô này là chú bé.

Trước khi tôi và Ngọc Bích tới Chợ Đại-Cống Thần, đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn — mà chúng tôi là cựu đoàn viên — từ vùng thượng du kéo về vùng suôi với ý định vào Liên Khu IV ở Thanh Hoá để làm việc với tướng Nguyễn Sơn. Phạm Văn Đôn là cháu ruột của ông bà Phạm Đình Phụng, chủ quán Thăng Long, do đó người con trai lớn của ông bà là Phạm Đình Viêm đã gia nhập đoàn văn nghệ Giải Phóng này từ khi mới từ Hà Nội tản cư ra Sơn Tây, như đã nói ở Chương trước. Dừng chân tại Chợ Đại, Phạm Văn Đôn tới Quán Thăng Long và xin hai chú thím cho phép hai người con đang ở đó — là Phạm Thị Thái và Phạm Đình Chương — nhập luôn vào đoàn văn nghệ này để đi vào Thanh Hoá. Cũng có thể vào lúc này, hai ông bà Thăng Long đã có ý định di cư thêm một lần nữa vào một vùng được coi như là an toàn nhất là Liên Khu IV cho nên ông bà để cho Phạm Thị Thái và Phạm Đình Chương ra đi một cách dễ dàng. Còn cô bé út Băng Thanh thì ở lại Chợ Đại với cha mẹ.

Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) đã gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hoá để được sống gần gũi các con. Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê lại căn nhà lá của một nông dân tên là Cò Mại và mở một quán phở vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.

Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long. Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê xát lại nhau.

1948  Wedding.jpg

Từ trái: Phạm Duy , Thái Hằng, bà Phạm Phụng  và Thái Thanh

Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội. Khi nhìn thấy mấy cô trong đoàn mặc maillot de bain nhẩy plongeon xuống nông giang thì bộ đội đi hành quân trên bờ đê đã… điên lên. Lúc này quán ăn không đông khách như hồi còn ở Chợ Đại bởi vì Chợ Neo không nằm trên con đường đi lại giữa các Chiến Khu. Quán Thăng Long chỉ có khách là những nhân viên của một số ít cơ quan chính quyền đóng tại Làng Ngò. Thản hoặc mới có những lữ khách từ phương xa ghé lại. Tại đây, trong cái quán vắng khách này, tôi ngồi trên một cái chõng tre, nhìn ra cánh đồng xanh rực nắng hay nằmdưới ánh đèn dầu để soạn lời ca tiếng Việt cho những bài Sérénade Schubert, Plaisir d’amour, Célèbre Valse de Brahms, Back To Sorriento, Les Millions d’Arlequin… tặng hai chị em Thái Hằng, Băng Thanh.

photo-17 copy 2

Phạm Duy đứng cạnh Thái Hằng và Thái Thanh. Em bé ở hàng trước là Duy Quang.

Thái Thanh khởi sự làm mê hoặc lòng người bằng giọng hát hãy còn rất mỏng của cô bé 17 tuổi. Bước vào nghề hát vào tuổi dậy thì, dù chẳng theo học một lớp dạy hát nào, Thái Thanh rất thông minh để không phát âm theo kiểu rung mạnh (giọng lồng ngực) như Minh Đỗ hay kiểu đổ hột (giọng cổ họng) như Ái Liên. Thái Thanh có lối hát rất Việt Nam, nghĩa là nhấn giọng vào từng chữ, giống như lối hát dân ca, hát Chèo, hát Chầu Văn. Giọng cô bé là giọng Thương Huyền được tăng trưởng vì bao trùm hai bát độ, đứng giữa hai giọng sopranoalto, nghĩa là có nhiều khả năng hơn tất cả các ca sĩ đương thời. Những bài như Tình Ca, Tình Hoài Hương với âm vực rất rộng, lúc đó được tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt rất trầm (nốt Sol dưới) hoặc rất cao (nốt Sol trên) của hai tác phẩm này. Từ đó trở đi, đa số ca khúc của tôi đều dựa vào khả năng của giọng hát Thái Thanh. Cho tới khi tôi có thêm giọng Duy Quang, Julie và Thái Hiền.

Thập niên 50

ban_hop_ca_thang_long_20130317_1355206253

Lúc mới từ chiến khu trở về, trong một tháng trời ở Hà Nội, chúng tôi chưa hoàn hồn để có thể hát hỏng cho bà con Hà thành nghe. Bây giờ, ban nhạc mang tên THĂNG LONG cần phải được đăng ký ở ngay đất Thăng Long. Tôi không thể nào quên được sự nhiệt tình mà người dân Hà Nội đã dành cho ban Thăng Long và các nghệ sĩ khác của đoàn GIÓ NAM. Vì không mua được vé, nhiều thanh niên — bây giờ đã công thành danh toại cả rồi — phải trèo qua cửa sổ Nhà Hát Lớn để coi chúng tôi hát.

Vào năm 1953, nghệ thuật ca diễn của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn tất cả những gì dân chúng miền Bắc đã coi trong phạm vi Tân Nhạc. Lối hát bè và cách trình bày của ban Thăng Long là sự mới lạ vì chưa hề có một ban hợp ca gia đình với các giọng hát quyện vào nhau như vậy tại đất Bắc Hà. Trần Văn Trạch với mớ tóc dài và tác phong trình diễn đi trước phong trào hippy cả mấy chục năm đã đưa địa vị của những anh hề lên rất cao.

Đây cũng là lúc bài nhạc bán cổ điển Danube Bleu của Johann Strauss do tôi soạn lời Việt từ 1948 ở Chợ Neo được hai chị em Thái Thanh Thái Hằng luôn luôn hát tại phòng trà, tại Đài Phát Thanh hay Đại Nhạc Hội và được hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng như Thuyền Viễn Xứ, Viễn Du hay Lữ Hành, bài ca mang tên Dòng Sông Xanh này phản ảnh sự viễn mơ của tôi, nhưng sự mơ ước của tôi là được sống mối tình ở bên bờ sông của thành Vienne chứ không phải là chết bên dòng sông Danube… Cùng với những bài ca Âu Mỹ cổ kim có giá trị khác mà tôi soạn lời Việt từ lâu như Trở Về Mái Nhà Xưa (Back To Sorriento), Mối Tình Xa Xưa (Célèbre Valse của Brahms), Tình Vui (Plaisir d’Amour)… bài Dòng Sông Xanh làm nên sự nghiệp của Thái Thanh và đi vào kỷ niệm của ba bốn thế hệ tình nhân Việt Nam.

ban_gio_nam_ra_trinh_dien_ngoai_bac_1953_20131101_1553553413

Góc trái: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương)- Thái Thanh cầm hoa- Góc phải: Phạm Duy và Trần văn Trạch.

Cho tới năm 1954, ngoài giới làm chính trị, có nhiều điều làm cho văn giới cũng xa lánh chính quyền. Lúc đó, quả rằng trong xã hội vẫn còn quá nhiều bất công, cờ bạc đĩ điếm được tổ chức và bảo trợ bởi chính phủ, người lãnh đạo thì bất xứng, kẻ thù là Pháp vẫn còn hiện diện, đa số trí thức, văn nghệ sĩ ở miền quốc gia đều có vẻ trùm chăn.

Riêng đối với tôi, trong mấy năm đầu sống tại Saigon dưới một chính quyền độc lập có thực hay giả tạo, tôi cũng mang nhiều thất vọng. Ngó lại những ngày đi theo Việt Minh thì chua sót, nhìn vào người quốc gia thì thiếu hứng khởi. Nhưng sau khi bị ép lòng tới tột độ, tôi bung ra để soạn bài Tình Ca. Rồi trong đà sáng tác đó, nhờ ở gia đình êm ấm, nhờ ở đời sống khá sung túc, nhờ ở tình bạn thân thương, nhờ ở quần chúng yêu nhạc… tôi soạn thêm những bài hát ngọt ngào như Tình Hoài Hương, hạnh phúc như Vợ Chồng Quê, tung cánh như Viễn Du, Lữ Hành… Tôi chấp nhận đầu cầu Bảo Đại để bám vào mà sống, mừng thay cho tôi, một số tình ca quê hương đã ra đời để cho người yêu nhạc còn hát lai rai sau gần một nửa thế kỷ.

Tôi còn có may mắn sống chung với một gia đình ca nhạc sĩ. Trong giai đoạn sáng tác này, nếu không có Thái Thanh và ban Thăng Long, chưa chắc tôi đã tung ra nổi một số ca khúc căn bản của ý niệm về bản sắc quốc gia và mang tinh thần vượt thời gian không gian nói trên. Thái Thanh sẽ còn là bạn đồng hành của tôi trên con đường dân nhạc đầy hứa hẹn này. Tôi sẽ trở thành người khuyến khích Thái Thanh lúc nào cũng nâng giọng hát của mình lên cao, không bao giờ hạ mình hát những bài hát thiếu giá trị. Và ngược lại, Thái Thanh luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc để tôi đo chiều cao chiều sâu trong âm vực của từng bài hát quê hương, dù là đoản khúc, dù là chương khúc hay trường khúc…

Thập niên 60, 70

daoca.jpg

Vào lúc nhạc của tôi không còn là nhạc để ngồi nghe mà là nhạc để hát hay nhạc để bàn bạc như các bản du ca, tâm ca, tâm phẫn ca… thì Thái Thanh vắng tiếng. Tôi cũng không thể tưởng tượng nổi việc Thái Thanh hát Sức Mấy Mà Buồn hay hát tục ca trước công chúng, qua radio hay trong cassette. Cho tới khi có đạo ca thì giọng hát vượt thời gian này mới quay về với tôi và dù những bài hát đi tìm sự thực này không được phổ biến nhiều, băng cassette Đạo Ca ca do Thái Thanh hát từ 1970, cho tới ngày hôm nay (1991) vẫn còn gây cảm động cho những người nghe. Khi hát đạo ca, tôi ngờ rằng Thái Thanh vừa kinh qua một khổ đau lớn của riêng mình nên tìm được an ủi ở những lời thơ tuyệt vời của Phạm Thiên Thư và ở những nét nhạc thoát tục của tôi chăng ?

Thập niên 80, 90

hqdefault-copy

“Giọng hát Thái thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo ….mệnh nước. Tất cả những người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới trong suốt 10 năm qua, khi nghe những băng nhạc có giọng hát Thái Thanh chúng ta nếu có thể vơi đi một phần nào mối hoài hương nặng trĩu thì ai ấy cũng đều rất bùi ngùi khi nghe thấy Thái Thanh còn kẹt lại ở quê nhà ..không được hát …không muốn hát …âm thầm im lặng ”

…..

“Trong suốt quá trình 60 năm của tân nhạc, từ khi chuẩn bị rồi tới khi thành lập, rồi phát triển. Trong 60 năm đó, tôi là người có cái may mắn là lúc nào cũng hiện diện. Cái may mắn thứ hai là lúc nào tôi cũng có một giọng ca đặc biệt Việt Nam, từ cách nhấn chữ, cho đến luyến láy đều hoàn toàn Việt Nam, hết sức dân tộc, vì vậy dễ đi vào lòng người. Cả đời tôi, tôi chỉ muốn đi theo con đường dân ca phát triển, và cả đời tôi, tôi chỉ muốn là một chứng nhân của thời đại. Và nếu không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy!”

…..

Lại nhắc tới Thái Thanh. Người ta thường gắn liền âm nhạc của tôi vào giọng hát của cô em. Đó là một vinh dự lớn cho tôi. Dù Thái Thanh không hẳn liên tục cùng đi từng bước với tôi trên nhiều đoạn đường vì có nhiều loại ca của tôi vắng giọng Thái Thanh (như bình ca, nữ ca, bé ca nhất là tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca và tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ… ) nhưng chúng tôi tái ngộ sau 10 năm xa cách vì hoàn cảnh lịch sử, chắc chắn Thái Thanh còn nhiều thời gian để đuổi kịp tôi. Vì nàng là giọng hát vượt thời gian mà .