Tags

, , ,

 

2008

Nhắc, không xía vô chuyện người như chữ Mai Thảo dùng trong Cho Một Mùa Đông. Nhắc, để nhớ đến một ánh đèn màu đẹp, một nhịp luân vũ đẹp, một giọng hát xanh cao vút đẹp, một vết thù đẹp, một mảnh gương vỡ đẹp, những dòng chữ đẹp, những lời thơ đẹp, những tình cảm đẹp, một tình bạn đẹp, nhiều tình bạn đẹp … Đẹp. Và buồn. Để tiếc. Để thương…….

               ****************

Thái Thanh dòng dõi máu nhạc chảy trong chậu thân. Thuở còn con gái từ Bắc di cư vào Nam, Thái Thanh có lui tới nhà ngôi sao Hàn Thuyên Nguyễn Đức Quỳnh, đến để thấy các văn nghệ sĩ thảo luận về văn học và mong mở rộng được kiến thức. Căn nhà của ông là một Đàm Trường – nơi thảo luận – về những Viễn Kiến – nhìn xa. Có một cuốn sách lớn giữa nhà ghi biên bản các buổi thảo luận, ai cũng có thể đọc. Ông là một nhà lập thuyết, kiện tướng cuả Nhóm Hàn Thuyên, chủ trương chống cộng, gây ý thức dân tộc. Ông còn là một nhà văn dưới bút hiệu Hoài Đồng Vọng. Hồi đó coi như một cao trào, có mặt tại nhà Nguyễn Đức Quỳnh là tự ái được ve vuốt, giá trị được phóng lớn (câu của Mai Thảo) vì đó là nơi quy tụ các trí thức miền Nam.

“Nguyễn Đức Quỳnh viết sách. Về thái cổ Đông phương. Về tiền cổ Tây phương. Vể thời đồng, thời đá, thuở trái đất mới có lửa, cộng đồng sống chung trong hình thái bộ lạc cách biệt. … … Văn chương những người như Nguyễn Đức Quỳnh huynh đệ với chí lớn, đồng nghĩa với vá trời lấp biển, đồng tính với cách mạng … Một sức hút. Một từ trường.” (Mai Thảo, Ngôi Sao Hàn Thuyên)

Mai Thảo là người từng ngưỡng mộ ngôi sao Hàn Thuyên từ tuổi niên thiếu ngoài Hà Nội, từng cùng sinh hoạt kháng chiến chống Pháp vùng Thanh Hóa chiến khu Tư, từng thân thiết bàn luận văn học và thời sự giai đoạn vào Nam, chiêm ngưỡng phong thái ung dung, khâm phục tài trí uyên bác cũng như quan điểm của ông khi kêu gọi hòa đồng và cứu chuộc lấy mình của nhà văn và trí thức toàn cầu.

Và rồi: “Một buổi đẹp trời kia, có những trái tim ấy trong những lồng ngực ấy bỗng đập một một nhịp đập khác. Tình yêu gõ cửa và mời người vào phiêu lưu, mời người bay lên trời cao, ca hát giữa vùng ánh sáng.” (Mai Thảo, Mười Đêm Ngà Ngọc)

Nhưng, theo nhận xét của anh Thái Thủy, cuộc tình giữa Mai Thảo và danh ca Thái Thanh không phải là ngà ngọc, mà chỉ là lãng mạn.

Thái Thanh lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956 (……) Theo nhận xét của giới văn nghệ sĩ, cuộc sống chung chẳng chút lãng mạn. Lê Quỳnh lại rất ghen. Nói như Nguyễn Bính: nghĩa là ghen qua đấy mà thôi/ và thế nghĩa là yêu quá đi mất rồi …Thái Thanh đi hát phòng trà cùng hai anh là Hoài Trung Hoài Bắc, có người lái xe đưa đón, thì Lê Quỳnh đi theo, và ghen cả với người lái xe đã lịch sự mở cửa cho Thái Thanh!

gal_137627_57c1e24ceded1

Lê Quỳnh rất bất bình khi biết Thái Thanh đến với Mai Thảo. Một lần, Lê Quỳnh đã nổi nóng đánh vào mặt Mai Thảo và cố tình đấm với bàn tay có đeo nhẫn sắc cạnh, vạch một đường dài. Nhưng, theo các bạn hữu, Mai Thảo chẳng vì vậy mà rút lui. Không rút lui. Tự ái. Tự cao. Tự đại.

“ Yêu là nhận. Giữ. … Tình yêu đích thực là tình yêu đáng nói không trời yên bể lặng đâu, và khi người ta yêu nhau phải chân cứng đá mềm mới được.” (Mai Thảo, Lời Vào Tập, Mười Đêm Ngà Ngọc)

Mai Thảo vẫn đến Đêm Màu Hồng, phòng trà ca nhạc lịch sự có danh ca Thái Thanh và các nam ca sĩ Hoài Trung Hoài Bắc ban Thăng Long, một ban hợp ca điêu luyện. Những Đêm Màu Hồng thần trí như mù quyện cùng giọng hát Thái Thanh ngất ngất …. Vẫn thân thiết với Hoài Trung Hoài Bắc. Nhưng từ sau vụ đánh ghen, Thái Thanh không đến với Mai Thảo nữa. Ly dị tiến hành. Và sau đó, Thái Thanh đến với Trần Quý Phong, dân biểu, chủ phòng trà Đêm Màu Hồng, con ông chủ Hotel Catinat. Điện thư của anh Văn Quang ở đoạn trên ghi rõ chi tiết này. Thuở ấy hầu như không những giới văn nghệ sĩ, mà những người thường lui tới phòng trà đều nghe biết.

Về liên hệ giữa anh Mai Thảo và danh ca Thái Thanh, tưởng không gì bằng những lời từ chính Thái Thanh.

Ngày 1 tháng 12 năm 2002, ông Đỗ Tiến Đức Chủ nhiệm báo Thời Luận ở California và phu nhân, cùng ông Nguyễn Đắc Điều cựu Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Quốc gia Hành Chánh cùng phu nhân, đã đến thăm Thái Thanh tại căn chung cư. Buổi thăm viếng đã trở thành một cuộc phỏng vấn rất lý thú được đăng trên báo Thời Luận, dưới tựa đề Thái Thanh, Người Mà Ai Cũng Mắc Nợ (…….)

laihongthaithanhpv
Mấy anh chị em gia đình chúng tôi hay đến Đêm Màu Hồng để nghe Thái Thanh và Ban Thăng Long. Hễ thấy chúng tôi là thế nào Thái Thanh cũng hát Kỷ Vật Cho Em, thơ Linh Phương do Phạm Duy phổ nhạc, là bài tôi rất thích và lúc nào cũng xúc động đến ròng ròng nước mắt.

Khi nói chuyện với anh Thái Thủy, anh bảo bạn bè biết mối tình giữa hai người là những liên hệ văn học nghệ thuật. Nhưng nếu có yêu có mê, thì giai đoạn sau vụ ly dị, Mai Thảo đã có cơ hội tiến tới, nhưng không làm, mà lại rút êm. Từ đó, anh coi Thái Thanh là một người bạn.

Tang lễ anh Mai Thảo do gia đình cùng thân hữu văn học nghệ thuật tổ chức tại Vườn Vĩnh Cửu nghĩa trang Peek Funeral Home khu Bolsa, vùng Westminster, California, ngày 17 Tháng Giêng Cỏ Non, 1998. Thân hữu có ý mời Thái Thanh trình hát bài Nghìn Trùng Xa Cách của Phạm Duy, thay mặt tất cả tiễn biệt người đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng Thái Thanh chỉ đến tham dự để tiễn người bạn cũ lần cuối trong đời.

Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa mà khóc với cười …
Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa mà giữ cho người …
Nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi/ Còn lời trăn trối gửi đến cho người …

 

Trần thị Lai Hồng

2008